MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT
LIÊN QUAN ĐẾN TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
I. HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM TRONG HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định nghiêm cấm các hành vi sau:
1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
II. XỬ LÝ HÌNH SỰ ĐỐI VỚI MỘT SỐ TỘI CÓ LIÊN QUAN ĐẾN TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định một số tội có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, như sau:
1. Tội hành nghề mê tín, dị đoan (Điều 320)
Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định xử lý hình sự đối với hành vi hành nghề mê tín, dị đoan như sau:
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
2. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331)
Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định xử lý hình sự đối với hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
III. XỬ PHẠT ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC AN NINH, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI
Trường hợp hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mà có hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể như sau:
1. Xử phạt một số hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng
Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt một số hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác;
b) Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng;
b) Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác,;
b) Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
d) Gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 111, 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;
b) Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương;đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;
c) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
d) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức;
đ) Tổ chức, tham gia tập trung đông người trái pháp luật tại cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước hoặc các địa điểm, khu vực cấm;
e) Viết, phát tán, lưu hành tài liệu, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương;
c) Quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ địa điểm cấm, khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh.
2. Xử phạt một số hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung
Điều 8 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt một số hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;
b) Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền.
IV. XỬ PHẠT ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG, PHÁT NỘI DUNG THÔNG TIN TRÊN BÁO CHÍ, BẢN TIN, ĐẶC SAN
Đối với hành vi vi phạm quy định về đăng, phát nội dung thông tin trên báo chí, bản tin, đặc san sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản), cụ thể:
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sau đây: Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát tin, bài, ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam;
b) Đăng, phát thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan.
3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng;
b) Đăng, phát thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng;
b) Đăng, phát tin, bài, ảnh kích động bạo lực.
5. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân;
b) Đăng, phát thông tin xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Đăng, phát thông tin có nội dung gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
6. Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát thông tin có nội dung gây ảnh hưởng đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Đăng, phát thông tin xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc;
c) Đăng, phát thông tin gây ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc.
V. XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI TUYÊN TRUYỀN MÊ TÍN DỊ ĐOAN
Hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan sẽ bị xử phạt vi hạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo), cụ thể:
1. Điểm d khoản 7 Điều 14 Nghị định số 38/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định:
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan”.
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi “Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan”.
2. Điểm c khoản 6 Điều 20 Nghị định số 38/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi “Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan”.
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi “Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan”./.